Tình trạng chia rẽ trong các hội đoàn người Việt
ref: fb | t.nguyen.2016
Sự tan rã có nhiều lí do, nhưng chủ yếu vẫn là ‘cái tôi’ quá lớn của vài thành viên. Mỗi người một ý, vốn là chuyện bình thường; nhưng không bình thường ở chỗ họ (chúng tôi) không thể đồng thuận với nhau. Ai cũng nghĩ đề nghị của mình là đúng. Ai cũng nghĩ mình có kinh nghiệm hơn, nên mình phải đúng. Ai cũng có vẻ nghĩ rằng mình là người quan trọng nhứt, tài giỏi nhứt, và có khả năng lãnh đạo nhứt. Thành ra, thay vì bàn về vấn đề, người ta quay sang khoe thành tích.
Chia rẽ là căn bịnh trầm kha ở người Việt, kể cả giới có học. Sự chia rẽ trong giới có học còn nặng nề hơn trong giới ‘bình dân’. Họ có học, và quen nghĩ rằng cái học của họ là cao hơn cái học của người khác (rất phổ biến ở người mình).
Chia rẽ là một thuộc tánh của người Việt chúng ta. Ngay cả cái truyền thuyết Âu Cơ (50 người con theo cha xuống biến, và 50 theo mẹ lên rừng núi) cũng đã là một sự chia rẽ. Cũng lạ! Sao lịch sử chúng ta lại bắt đầu bằng câu chuyện Âu Cơ? Hay là định mệnh dân tộc? Còn lịch sử thực tế cũng là một câu chuyện dài về chia rẽ. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm (1570-1786) là một câu chuyện tiêu biểu. Rồi thời Quốc - Cộng suốt 20 năm thậm chí còn chia rẽ sâu sắc hơn.
Tuy đất nước chúng ta đã thống nhứt, nhưng tình trạng chia rẽ vùng miền vẫn còn rất nặng nề. Một anh bạn 'Bắc kì 54', gốc Hà Nội chính tông, mỗi khi nghe giọng Bắc sau 1975 trên VTV anh ấy chịu không được. Còn sự kì thị và chia rẽ ngấm ngầm thì nói sao cho hết. Tất cả có lẽ bắt đầu từ những năm sau 1975 khi chủ nghĩa lí lịch được áp dụng trong Nam và gây ra những chia rẽ có hệ thống, gây nên sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa người dân hai miền, và hậu quả của nó vẫn còn cho đến nay và lan toả ra nước ngoài.
ông Trần Văn Thuỷ (Đạo diễn ở trong nước) có nói rằng "Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này thì cũng không đúng lắm, có thể là thất lễ và mất lòng nhiều người, nhưng nó là sự thật. Tôi xin nói, thật lòng như thế này: Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác giống mình, áp đặt ý kiến, là do cơ chế của một thứ 'chủ nghĩa Xã Hội'. Sau này ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là những báo chí của phe chống cộng đủ thứ, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn. Thế tôi mới ngỡ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, dẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình, phải chăng là chứng bệnh của dân tộc Việt Nam. Nếu như đó là bệnh của một chế độ chính trị thì có thể sửa được. Khi nó không còn hiện diện hoặc thay đổi thì những điều xấu ấy mất đi. Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là điều đau đớn vô cùng. Nếu chỉ tính từ thế kỷ XV với sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Trãi, đến nay có thể nói qua gần năm thế kỷ, có nhiều chuyện gần như ta phải làm lại từ đầu. Đè nặng lên tôi nhất vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật, ai càng yêu nước càng buồn nhiều."